[KỈ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI 19/5/1890 - 19/5/2023]
________________________________
"Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".
“Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ’’, là nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca nước nhà, mỗi thi phẩm viết về Người tựa như thanh âm chót vót chạm tới vực sâu thính giả, khơi dậy cảm xúc dạt dào, lòng kính yêu cùng niềm rung động khôn nguôi. Tình cảm ấy giống như một mạch nước ngầm thẩm thấu chân thành đến những tâm hồn xa lạ.
Có rất nhiều tác phẩm nhạc, họa, văn, thơ… viết về Bác, có thể kể đến như: “Hồ Chí Minh chân dung đời thường” (Bá Ngọc), “Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh” (Mai Văn Bộ),… Trong số những tác phẩm viết về cuộc đời Hồ Chủ tịch, cuốn sách khiến tôi ấn tượng sâu sắc nhất chính là cuốn “Búp sen xanh” của tác giả Sơn Tùng. Ông đã viết thành công tác phẩm này, bởi ông có tấm lòng thành kính đặc biệt đối với Bác và nguyện vọng thiết tha được viết về Bác. Là thương binh nặng loại 6/8, Sơn Tùng đi lại rất khó khăn, nhưng ông đã vượt qua mọi gian khổ, đi nhiều, tìm hiểu kỹ lưỡng để cho ra đời “Búp sen xanh” - một thành công lớn của nền văn học Việt Nam.
Tựa như những thước phim quay chậm, “Búp sen xanh” kể về câu chuyện thời thơ ấu của vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Đó là những giây phút thiêng liêng khi cậu bé Côn được ông ngoại đặt tên, những ngày tháng lam lũ mà gia đình phải trải qua, những biến cố, những bài học mà cậu bé Côn được học từ cuộc sống, từ chính những người thân trong gia đình…Và đây cũng chính là hành trang của chàng trai Nguyễn Tất Thành sau này trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước.
Đi sâu vào nội dung cuốn sách, chúng ta sẽ không thể quên được những lời thoại dí dỏm của bé Côn. Sự tinh nghịch, sự thông minh, ham học hỏi của một đứa trẻ khiến người đọc thích thú, sự cảm thông đối với những kiếp người ăn xin nghèo khổ, sự đau khổ trước nỗi nước mất nhà tan để rồi quyết định ra đi tìm đường cứu nước đúng đắn… Tất cả đã khiến độc giả rơi nước mắt khâm phục trước Bác.
Nhà văn Sơn Tùng đã viết rất nhiều tác phẩm về Bác, mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng nhưng hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua những câu chuyện đó rất đỗi bình dị, giản đơn. Đọc “Búp sen xanh” tôi tưởng tượng ra hình bóng Bác qua những trang sách. Sự tinh nghịch của cậu bé Côn, sự uy nghiêm của thầy giáo Nguyễn Tất Thành và cả quyết định sáng suốt của anh Ba khi rời quê hương đặt chân đến vùng đất lạ. Tố chất đã được gia đình – làng Sen nuôi dưỡng tâm hồn Bác.
Bác sinh ra trong thời loạn lạc nước mất nhà tan nhưng Bác không chịu đứng nhìn thực dân Pháp đày đọa dân ta, làm càn trên nước Nam ta và rồi Bác đã quyết chí ra đi tìm lối thoát cho dân tộc, mở đầu cho quá trình tiến lên độc lập tự do của nhân dân.
Với tấm lòng kính yêu lãnh tụ vô hạn, Sơn Tùng trung thành với sự thật lịch sử và đã thể hiện thành công tính cách nhân vật chính. Một số chi tiết và nhân vật phụ cũng được thể hiện thành công, góp phần khắc hoạ rõ nét tính cách nhân vật trung tâm, thể hiện rõ chủ đề tư tưởng. Nhân vật Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Bác Hồ, là một nhà trí thức yêu nước. Qua việc mô tả nhân vật này, tác giả làm sống lại không khí một giai đoạn lịch sử giao thời giữa hai thế hệ đang tìm đường cứu nước. Tác phẩm còn đề cập tới một loạt nhân vật lịch sử có thật như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Vương Thúc Quý… tất cả tạo nên bức tranh toàn cảnh về một lớp người trí thức yêu nước cuối thế kỷ XX.
“Búp sen xanh” cũng làm sống lại những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc. Đó là tính hiếu học, tình thầy trò, tình làng nghĩa xóm, tình bạn… Những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát phường vải, múa đèn, hát xẩm…
Nhiều năm trở lại đây, cuốn tiểu thuyết này đã được đưa vào tủ sách vàng của nhiều nhà xuất bản, được in đi in lại nhiều lần, được dịch sang tiếng Anh và được in song ngữ. Lang thang qua những vỉa hè, những nhà sách lớn hay những quầy sách nhỏ, đâu đâu ta cũng thấy cuốn sách này như một điều để nhìn thấy Bác.
“Búp sen xanh” có lẽ là món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn Tùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã kính dâng lên Bác Hồ. Trải qua bao nhiêu năm tháng mà cuốn sách vẫn giữ vững được những nét đẹp, giá trị đích thực của nó bởi trong đó chứa đựng một tâm hồn cao cả của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Qua việc đọc cuốn sách “Búp Sen Xanh” (Sơn Tùng), chúng em - tuổi trẻ THPT An Lão nguyện sống, học tập, lao động, cống hiến theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp bước, giữ vững truyền thống, hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, để góp phần đưa đất nước “sánh ngang với các cường quốc năm châu” như ước nguyện ngày nào của Bác.